Hóa Chất Da Cam: Vết thương chưa lành

Xã Đại Chánh, tỉnh Quảng Nam, nơi Hóa Chất Da Cam được sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam. Photo Trần Dệ

This article first appeared in VTimes on November 5, 2010.

Đức Hà

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt nay đã 35 năm hơn, và mối quan hệ giữa hai nước cựu thù ngày càng trở nên tốt đẹp tuy vậy một cuộc chiến khác, tàn khốc không kém, vẫn âm ỉ hủy hoại con người và có thể còn tiếp diễn sang nhiều thế hệ nữa. Vấn đề nghiêm trọng này đang được cả hai phía Mỹ-Việt rốt ráo tìm cách giải quyết hầu có thể khép lại trang sử đau buồn cuối cùng.

Trong chuyến công du Hà Nội hồi tháng Bảy vừa qua, Ngoại Trưởng Hillary Clinton cam kết Hoa Kỳ sẽ tích cực hợp tác giải quyết hệ quả của cuộc chiến liên quan đến hóa chất diệt cỏ từng được quân đội Mỹ sử dụng trước đây.

M? Tr?nh Th? N?m cho con Tr?nh L?c ?n. Con bà có th? là n?n nhân Hóa Ch?t Da Cam. Photo Trần Dệ

Trong cùng lúc tại Mỹ, Bộ Cựu Chiến Binh cũng nhìn nhận 14 loại bệnh để được hưởng các khoản bồi thường và dự kiến liệt kê thêm bệnh tim, ung thư máu và Parkinson’s. Thành quả đạt được ngày hôm nay là nỗ lực đấu tranh lâu dài và kiên trì của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức thiện nguyện và phi chánh phủ. Tham gia vào cuộc vận động này có một người Mỹ gốc Việt, giáo sư tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn thuộc Đại Học New York. Tình thương đồng loại và tình bạn đã đưa đẩy ông đến với các nạn nhân Mỹ và Việt:

“Tôi có nhiều bạn cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam từ những năm 1968, và nhiều bạn cựu chiến binh Mỹ có mặt trong các cuộc chiến khác. Nhiều người chết vì Chất Da Cam, nhiều người sống trong bệnh tật. Nói chung họ nghèo. Vụ kiện của họ trong những năm 1980 không thành công và vấn đề Da Cam bị quên lãng. Có người trước đây nhất định không khai bệnh nhưng nay tuổi già, bắt đầu phải khai báo trong lúc chính sách của Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ cũng rộng rãi hơn.”

Và khi Việt Nam khởi kiện 37 công ty hoá chất tại tòa án Mỹ năm 2004, Hội Cựu Chiến Binh Vì Hòa Bình (Veterans For Peace) kêu gọi thành lập cuộc Vận Động Cứu Trợ và Trách Nhiệm đối với Nạn Nhân Chất Da Cam Việt Nam – Vietnam Agent Orange Relief & Responsibility Campaign, giáo sư Nhàn trở thành một trong những người chính tham gia cuộc vận động với trang nhà www.vn-agentorange.org là tiếng nói chính thức của cuộc vận động.

Ông cho biết dự án hoạt động ra đời ngày 27 tháng Giêng 2005 nhắm vào ba đối tượng nạn nhân là cựu chiến binh Mỹ và con cháu nhiễm bệnh, nạn nhân người Việt tại Mỹ cùng gia đình, và nạn nhân ở Việt Nam thuộc nhiều thế hệ.

Nhưng cho đến nay chỉ có cựu quân nhân Hoa Kỳ và nạn nhân ở Việt Nam đạt được nguyện vọng. Nạn nhân Da Cam trong cộng đồng Việt ở Mỹ không được nhắc tới.

Câu chuyện Da Cam

Trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải 20 triệu gallons hóa chất diệt cỏ tại Nam Việt Nam, và vùng biên giới sát với Campuchia và Lào. Ước lượng 10% diện tích của Miền Nam – từ vĩ tuyến 17 đến đồng bằng sông Cửu Long, bị rải thuốc chứa trong các thùng 55 gallons sơn vạch màu da cam với tỉ lệ gấp 13 lần nhiều hơn chỉ định. Phần lớn những sự tàn phá trên cây cỏ và rừng kéo dài cả chục năm mới có khả năng hồi phục, cho dù các thành phần hóa học của Chất Da Cam – không ảnh hưởng vào sức khỏe con người sẽ tan biến sau khi được phun ra. Nhưng có khoảng 2/3 lượng thuốc sử dụng bị nhiễm chất dioxin TCDD độc hại và đó mới là nguyên nhân chính yếu của nhiều dạng ung thư và hàng loạt các bệnh khác kể cả quái thai, sinh con khuyết tật. Có nơi tỉ lệ chất dioxin trong nước và đất gấp trăm lần mức chấp nhận được – phần lớn chung quanh các sân bay quân sự nơi tồn trữ kho hóa chất diệt cây cỏ. Tuy nhiên nếu tác hại của hóa chất khai quang trên môi trường có thể khắc phục được thì tác hại trên con người lại là một vấn đề nan giải vì có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ thống kê 2.6 triệu quân nhân Mỹ bị phơi nhiễm tác nhân Da Cam. Phía Việt Nam cho hay 4.8 triệu dân Việt bị nhiễm hóa chất độc, làm 400,000 người chết hay tàn tật và nửa triệu trẻ sinh ra dị tật. Còn một thành phần nữa là người Việt đang sống tại Mỹ trong đó có cựu quân nhân và thường dân – không thể có khả năng miễn nhiễm khi tiếp xúc với hóa chất này thì chưa có con số nào được đưa ra. Trang web War Legacies – www.warlegacies. org viết rõ: “Hiện chưa có cuộc nghiên cứu nào về ảnh hưởng của Chất Da Cam/dioxin đối với sức khỏe của gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt.”

Sau khi xác định Chất Da Cam/dioxin có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Bộ Cựu Chiến Binh cho binh sĩ Mỹ tham chiến tại Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi kể cả chăm sóc sức khỏe và con cái nếu bị spina bifia (một dạng cong cột sống) hay dị tật dị dạng cũng được hưởng thêm các đặc lợi khác. Còn tại Việt Nam Hoa Kỳ tuy vẫn khẳng định không có chứng minh khoa học chính xác cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa tác nhân Da Cam và sức khỏe con người, nhưng trong những năm gần đây đã có các cuộc thảo luận tích cực giữa hai phía nhằm khai thông vấn đề này.

Tháng Sáu vừa qua Nhóm Đối Thoại Việt – Mỹ cho phổ biến kế hoạch hành động kêu gọi chính phủ Mỹ và các nhà hảo tâm đóng góp một ngân khoản ước lượng 300 triệu đô la trong vòng 10 năm tới để làm sạch môi trường và chữa trị cùng giúp đỡ những nạn nhân bị nghi ngờ có liên hệ đến hóa chất Da Cam/dioxin. Về thành phần người Mỹ gốc Việt, giáo sư Nhàn giải thích:

“Khởi đầu, người Mỹ nghĩ chỉ có cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm độc, cộng đồng người Việt im lặng, nên chúng tôi mời nạn nhân tại Việt Nam sang Mỹ và nói chuyện tại nhiều thành phố, đến tháng Bảy vừa qua đoàn Việt Nam, gồm bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và nạn nhân Trần Thị Hoan – sinh ra không có chân và thiếu một cánh tay, được mời điều trần tại Quốc Hội Mỹ.”

Ông Nhàn cho hay tất cả các nước khác có tham chiến tại Việt Nam như Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Canađa, và cả Anh đều được sự giúp đỡ ở nước họ.

Nếu nhóm biệt kích của Nam Việt Nam khi định cư tại Mỹ sau cùng đều được bồi thường thì chuyện giúp đỡ các cựu quân nhân gốc Việt bị nhiễm Chất Da Cam/ dioxin mới chỉ ở bước đầu: vận động.

ARVN soldiers handling barrels of Agent Orange during the Vietnam War.

Năm 2001, người ta thấy một bài viết trên báo Văn Nghệ Tiền Phong trong đó tác giả Đào Thạch Bích nêu câu hỏi về việc “… có nên tiếp tay vận động xin cho cựu chiến binh VNCH cũng được hưởng tiền bồi hoàn thiệt hại hay không.”

Nhưng rồi dự án ngưng ở đó và rơi vào quên lãng – một phần cũng vì sự nhậy cảm gây nhiều tranh cãi của chuyện Da Cam. Ngay cả khi đoàn Việt Nam sang dự phiên tòa ở New York cũng bị đồng hương gốc Việt biểu tình chống đối. Những bài báo chỉ trích nhà nước Hà Nội lợi dụng chiến dịch Da Cam để mưu cầu tiền bạc, đánh lừa dư luận cũng như vu khống, mỵ dân tràn đầy trên mạng Internet. Theo tiến sĩ Nhàn, có thể nạn nhân Mỹ gốc Việt cũng không biết mình đang bị nhiễm chất dioxin: Ông giải thích:

“Theo tôi, các cuộc vận động về hậu quả của Chất Da Cam phải làm rõ và giúp nạn nhân thấu hiểu là họ bị nhiễm chất độc hại. Thông thường, nạn nhân của các độc tố ít khi biết mình nhiễm độc trừ phi có bác sĩ chuyên môn cho biết. Trước hết người Mỹ gốc Việt, nếu có thân nhân ở Việt Nam bị nhiễm, hay đã ở trong những vùng bị rải từ 1961- 1971, nên đi khám bệnh và xem mình có bị một trong số 14 bệnh không.”

Ông Nhàn nhắc lại vào năm 2002 trước khi Tổng Thống Bill Clinton công du Việt Nam, một số người Việt đã thảo thư đề nghị ông không quên người Mỹ gốc Việt bị nhiễm Chất Da Cam, và đề nghị kiểm bệnh cho toàn thể cộng đồng người Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, thư này không được toàn thể nhất trí, có người cho rằng thư này có lợi cho cộng sản, và vấn đề này đã bị xếp lại.

Khi hỏi vị giáo sư của trường New York University rằng tại Mỹ có nạn nhân gốc Việt thực sự bị phơi nhiễm Da Cam/ dioxin không, ông khẳng định là có:

“Trong những chuyến đi nhiều thành phố tại Mỹ với nạn nhân Da Cam Việt Nam, chúng tôi đã gặp nạn nhân người Mỹ gốc Việt và cả con cháu. Phim “Agent Orange: 30 Years Later” của John Trịnh có phỏng vấn nạn nhân người Mỹ gốc Việt, là cựu chiến binh VNCH. Trong một nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng người Việt tại Quận Bronx ở New York, do bệnh viện Đại Học New York tổ chức, chuyên viên thống kê phát hiện ba dạng bệnh có nhiều nhất trong cộng đồng, ba bệnh ấy nằm trong 14 bệnh được Bộ Cựu Chiến Binh Mỹ công nhận có gốc từ Chất Da Cam.

Cũng vậy khi ra điều tại Quốc Hội Mỹ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng, thành viên của Nhóm Đối Thoại kêu gọi đừng bỏ quên những công dân Mỹ gốc Việt. Bà nói rằng một số trong hơn 1 triệu người trong cộng đồng Việt tại Mỹ đang đau khổ vì ảnh hưởng của Chất Da Cam và rất cần sự chăm sóc y tế. Sau cùng để mọi người ý thức hơn nữa tầm nghiêm trọng của vấn đề này, tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn kêu mọi người hãy cùng nhau lên tiếng: “Chúng tôi đang kêu gọi ký tên vào thư gửi Quốc Hội Mỹ, ủng hộ việc thông qua dự luật tổng thể chữa trị cho mọi nạn nhân Da Cam. Xin mời tham gia ký tên tại địa chỉ http://www.vn-agentorange. org/postcard_sign. php.”

About duc ha

Born and raised in Vietnam, Duc Ha is an editor and senior correspondent for OneViet.com, an online community portal in Vietnamese and English based in San Jose. He is also a freelance writer for VTimes and various Vietnamese publications in Silicon Valley and Orange County, California. Duc attended the School Of Law in Saigon and planned to become a diplomat. The ravaging war changed many of his dreams. He instead joined the armed forces and, because he was fluent in English and French, he was assigned to the Information Office where he became a war correspondent after a training course in the United States.

Comments are closed.