Trần Thị Hoan: Người Nhiều May Mắn

Tran Thi Hoan

Trần Thị Hoan, 24 tuổi, sinh ra đời không có chân và thiếu một phần cánh tay trái. Photo by Duc Ha.

Đức Hà

LÀNG HÒA BÌNH II, Vietnam – Khi Trần Thị Hoan thức giấc vào mỗi buổi sáng để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống thì Hoan là một cô gái hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người cùng hoàn cảnh nhưng lại không có cơ hội sống đến ngày mai. Thật vậy, ngoài việc được đi đây đó – kể cả đi Mỹ, Hoan sẽ tốt nghiệp ngành công nghệ tin học trong tháng này, và nếu không có gì thay đổi cô sẽ cộng tác với công ty Nokia Việt Nam. Rõ ràng Hoan có một cuộc sống. Ít ra thì Hoan cũng “tạm” gọi là một con người, biết nói, biết tư duy, biết giận, buồn, vui … cho dù Hoan được xem là một nạn nhân Da Cam, một hóa chất khai quang độc hại sử dụng trong chiến tranh.

 

“So với các em ở tại Làng Hòa Bình, cũng như ở các nơi khác thì Hoan là người may mắn nhứt, có bạn bè để chia xẻ niềm vui và được học hành đầy đủ,” cô gái 23 tuổi giải bày từ Làng Hòa Bình bên trong Bệnh Viện Từ Dũ, nơi cô về sống từ 16 năm nay. Làng Hòa Bình được thiết lập nhiều nơi ở Việt Nam, là một hệ thống cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật – đa phần được cho là bị phơi nhiễm Chất Da Cam/dioxin.

Chân Dung

Trần Thị Hoan ra đời tại Đức Linh, thuộc tỉnh Bình Thuận. Cô giải thích:
“Mẹ sinh hai chị gái và một anh trai, tất cả đều giống như mọi nguời, đầy đủ chân tay. Thế rồi một hôm khi làm rẫy, mẹ cuốc nhằm một thùng sắt xì ra mùi khó chịu và ngã bệnh. Sau đó mẹ được đưa đến trạm xá khám thì biết đang mang thai.”

Thai nhi đó sau này mang tên Trần Thị Hoan.

Tất cả các bộ phận cơ thể, cho đến nay đều bình thuờng ngoại trừ Hoan không có hai chân và thiếu hẳn một phần cánh tay trái. Không rõ vì hít nhằm hơi độc nên sau đó người mẹ sanh con dị tật hay có thể bị nhiễm độc ở một nơi khác nhưng Hoan ra đời như vậy, và vào thời điểm đó chẳng ai biết Da Cam là gì và Hoan không phải là một trường hợp cá biệt. Phải nhiều năm sau, Bác Sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một thành viên của Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam mới xác định là Hoan bị ảnh hưởng của hóa chất khai quang. Không rõ có bằng chứng khoa học nào kết nối hơi (độc) từ thùng sắt và việc sanh con dị tật của bà Bùi Thị Nguyên, mẹ của Hoan nhưng hai lần Hoan được cử đi Mỹ với tư cách là nạn nhân Da Cam.

Cho đến năm tám tuổi khi về sống trong Làng Hòa Bình ở Sài Gòn thì lúc đó Hoan mới có dịp tiếp cận với 60 em cùng hoàn cảnh với đủ các thứ bệnh và dị dạng như đầu phồng to, trán rộng quá khổ, không mắt, tay chân co quắp, không biết nói, chỉ nằm, không ngồi, không đứng, hư cột sống, không hậu môn … Những em này sống như vậy cho đến ngày chết hoặc chết bất cứ lúc nào vì một căn bệnh ung thư nào đó.

Việt Nam ước tính hiện có khoảng 150,000 trẻ em bị ảnh hưởng Da Cam. Họ là con của binh sĩ miền Nam trước đây, của dân thường và dĩ nhiên cả con em của bộ đội từng tham gia đội quân giải phóng miền Nam. Con số 150,000 có thể chưa hoàn toàn chính xác – vì nhiều trẻ đã chết hoặc sinh sản thêm, nhưng nói rằng tất cả là nạn nhân Chất Da Cam thì cũng không có chứng minh khoa học chính xác.

Vì muốn có thêm một con trai nữa để đỡ đần khi về già, hai năm sau mẹ Hoan sanh một em trai. Bé này bị hội chứng thoát vị thành bụng (không có thành bụng) và tử vong ngay sau khi sanh. Đến năm 1990 mẹ Hoan sanh thêm một trai hoàn toàn bình thường. Khi gia đình Hoan không làm rẫy trên vùng đất đó nữa và một gia đình khác lại đến làm rẫy ngay tại đó thì không lâu sau người mẹ sinh hai con đều không phát triển chiều cao (khoảng 1,2 mét) nằm liệt giường, không nói được và thường xuyên bị nhức đầu, nhứt là khi thời tiết thay đổi; đứa kia ngủ suốt và bị suy dinh dưỡng. Hoan kể lại.
Cho đến bây giờ liệu vùng đất đó có bị cấm trồng trọt chưa là câu hỏi không có trả lời. Việt Nam không biết nơi nào bị rải thuốc, nơi nào từng là nơi tồn trữ thuốc khai quang cho đến khi nhận được các tài liệu của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Chỉ vào lúc đó người dân định cư, sinh hoạt, ăn và uống hàng chục năm ngay trên vùng độc hại gần hay ngay trên các “điểm nóng” như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát và nhiều nơi khác mới bị giải tỏa và di dời đi nơi khác.

Tran Thi Hoan

Cô Trần Thị Hoan vừa tốt nghiệp ngành công nghệ tin học. Photo đức hà

Trần Thị Hoan đi Mỹ lần đầu năm 2008 trong chuyến đi đòi hỏi công lý và tham gia các buổi tọa đàm tại 10 thành phố Mỹ. Lần hai vào tháng Bẩy vừa qua, cô được mời với tư cách là đại diện cho nạn nhân Da Cam Việt Nam. Tại Hạ Viện Mỹ, Hoan nói:
“Khi còn bé, tôi gặp nhiều khó khăn khi chơi đùa với bạn cùng lứa hay đi học. Vào lúc đó, không ai hiểu về Chất Da Cam. Người ta nghĩ rằng tình trạng của tôi là do nghiệp chướng của gia đình. Tuy nhiên khi về Sài Gòn sống chung với nhiều trẻ em khác tôi nhận thấy nhiều bạn đã qua đời chỉ vài năm sau khi sanh hoặc sống tật nguyền ít lâu rồi cũng chết.” Cô cho biết tiếp:
“Nạn nhân Chất Da Cam chết mỗi ngày và rất cần sự chăm sóc cùng giúp đỡ tức thì và Làng Hòa Bình nơi đã giúp các nạn nhân rất nhiều về vật chất và tinh thần không thể nào có khả năng chăm sóc nhiều trẻ hơn nữa và hàng trăm ngàn con người như vậy không được chăm sóc y khoa hầu như chỉ chờ ngày chết.”

Sau cùng thay mặt các nạn nhân Da Cam/dioxin, cô đặt vấn đề:
“Chúng tôi muốn rằng những người chịu trách nhiệm gây ra hậu quả kinh hoàng từ Chất Da Cam hãy lắng nghe những đớn đau khốn khổ của chúng tôi và có hành động đáp ứng. Các hãng sản xuất hóa chất và chính phủ Mỹ từng cho rải chất này phải có hành động đúng đắn. Đây là một vấn đề công lý và nhân đạo…”

Không chỉ điều trần trước Hạ Viện Mỹ, năm 2009 Trần Thị Hoan còn viết cả thư ngỏ gởi Tổng Thống Hoa Kỳ. Thư có đoạn:
“Xin nói riêng về bản thân tôi: thời đi học phổ thông, tôi từng mơ ước sẽ trở thành bác sĩ để về giúp bà con quê tôi vì quê tôi còn nghèo, nhưng tôi đã không thể thực hiện ước mơ ấy vì chất độc Da Cam đã cướp đi đôi chân và bàn tay trái của tôi, khiến cha mẹ tôi phải rơi bao giọt nước mắt vì xót xa trước hình hài của tôi; và ông nghĩ như thế nào nếu đến thế hệ con của tôi cũng bị như tôi, cũng bị cái thứ chất độc chết người ấy cướp đi hình hài nguyên vẹn, và biết đâu sẽ cướp luôn cả tính mạng của nó (nếu tôi lập gia đình)? Điều này tôi chỉ nói riêng về tôi, nhưng chắc cũng đủ để ông hình dung ra được những nỗi đau của bao bậc cha mẹ khác. Ông đã là cha của hai cô con gái xinh đẹp, hẳn ông rất hiểu tình yêu thương của các bậc cha mẹ dành cho con mình…”

Để giải quyết bóng ma chiến tranh còn sót lại giữa hai nước Việt – Mỹ, Nhóm Đối Thoại Việt Nam – Hoa Kỳ gồm các khoa học gia, người dân thường cùng với các nhà hoạch định chính sách vừa phổ biến một kế hoạch hành động kêu gọi chính phủ Mỹ và các nhà hảo tâm đóng góp một ngân khoản ước lượng 30 triệu đô-la mỗi năm trong vòng 10 năm tới để làm sạch môi trường bị nhiễm chất khai quang. Ngân khoản cũng được dùng để chữa trị và trợ giúp những nạn nhân bị nghi ngờ có liên hệ đến phát minh được báo Time liệt kê trong 50 phát minh tồi tệ nhất sau thuốc diệt sâu DDT.

Tags:

About duc ha

Born and raised in Vietnam, Duc Ha is an editor and senior correspondent for OneViet.com, an online community portal in Vietnamese and English based in San Jose. He is also a freelance writer for VTimes and various Vietnamese publications in Silicon Valley and Orange County, California. Duc attended the School Of Law in Saigon and planned to become a diplomat. The ravaging war changed many of his dreams. He instead joined the armed forces and, because he was fluent in English and French, he was assigned to the Information Office where he became a war correspondent after a training course in the United States.

Comments are closed.