Nguyễn Hữu Liêm
Vào trung tuần tháng Năm này, một bản “Tuyên Cáo và Chiến Lược giải Quyết Di sản Chất Da Cam ở Việt Nam” (Declaration and strategic Plan: addressing the Legacy of agent orange in Vietnam) sẽ được công bố bởi “Tổ đối Thoại Mỹ-Việt về Chất Da Cam/Dioxin” (U.S.-Vietnam Dialogue group on agent orange/Dioxin).
Đây là một kế hoạch hành động mới cho một vấn đề còn lại của cuộc chiến vốn đã chấm dứt 35 năm trước. Dự án sẽ đưa ra một chiến lược thực tiễn trên cơ bản lương tri và nhân đạo, vượt qua những hệ lụy về chính trị vốn đã gây ra tranh cãi và cản trở những nỗ lực nhằm giải quyết di sản đau thương này.
Theo bản “Tuyên Cáo” thì quân đội Mỹ từ 1962 đến 1971 đã rải hơn 20 triệu gallons chất da cam chứa dioxin lên trên 5 triệu mẫu đất rừng và 500,000 mẫu đất nông nghiệp ở các vùng ở Nam Việt Nam. Dioxin là hóa chất cực độc mà U.s. Institute of Medicine kết luận là có liên hệ
đến các bệnh như ung thư, tiểu đường, thần kinh, tim mạch và hoại xương sống.
Cơ quan International agency for Research on Cancer và National Institute of environmental Human Health sciences xếp loại dioxin là một hóa chất gây ung thư (human carcinogen). Cũng theo Bản Tuyên Cáo thì có khoảng 4.5 triệu người Việt đã bị ô nhiễm chất độc dioxin. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam ước lượng lên đến 3 triệu người Việt đã bị tác hại về y tế và sức khoẻ bởi dioxin, bao gồm 150 ngàn trẻ em bị mang tật bẩm sinh.
“Bản Tuyên Cáo và Kế Hoạch Chiến Lược” được chủ động bởi Ford Foundation với sự bảo trợ của Aspen Institute, Atlantic Philanthropies, Chino Cienega Foundation, Nathan Cummings Foundation và Wallace Alexander Gerbode Foundation.
Bản Tuyên Cáo (trích dịch)
“Trong suốt 35 năm từ khi chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chấm dứt, cả hai quốc gia đã có những tiến bộ lớn nhằm thiết lệ quan hệ thân thiện với nhau. Nhưng cuộc chiến đó vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người Mỹ và Việt. Họ là những người đã bị ảnh hưởng, hồi đó cũng như bây giờ, bởi sự việc (quân đội Mỹ) rải chất da cam và những hóa chất khác trên các vùng nông thôn Nam Việt Nam.
“Như các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã biết, một số những hóa chất tiêu hủy thực vật (herbicides) đã nhiễm dioxin, một hóa chất cực độc và chất gây ô nhiễm lâu dài vốn có liên hệ đến ung thư, tiểu đường, khuyết tật bẩm sinh (birth defects) và các chứng bệnh
khác. Cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những biện pháp giúp đỡ các cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc này. Tuy nhiên, nhu cầu cho những người trên cũng như bao nhiêu người khác vẫn chưa được đáp ứng. Hơn nữa, chất độc dioxin vẫn còn đang tiếp tục gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và gây ảnh hưởng liên tục cho sức khoẻ của quần chúng từ khoảng hơn vài chục ‘điểm nóng’ nơi mà chất độc dioxin đã được dự trữ và xử lý.
“Di sản đau buồn này đang làm cản trở quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Những câu hỏi của trách nhiệm, ý thức và sự khả tín của dữ kiện đã bấy lâu nay tạo ra những tranh cãi cay đắng và chận đứng những nghiên cứu và hành động cứu giúp. Trong một cuộc thăm dò gần đây, đa số người Mỹ đều đồng ý rằng đây là thời điểm mà các vấn đề trên cần phải được bỏ qua một bên.
“Chúng tôi, do đó, kêu gọi Hoa Kỳ cùng với Việt Nam để tài trợ cho một nỗ lực nhân đạo toàn diện nhằm giải quyết di sản chất da cam/dioxin ở Việt Nam.
“Nỗ lực này đang được đề xướng bởi ‘Tổ Đối Thoại Mỹ-Việt về Chất Da Cam/ Dioxin’, vốn được thành lập với sự giúp đỡ của the Ford Foundation vào năm 2007. ‘Tổ Đối Thoại’ là một ủy ban biện hộ (advocacy) liên hợp giữa hai quốc gia bao gồm những cá nhân uy tín,
khoa học gia, và các nhà chính sách. Về phia Việt Nam và Mỹ cũng bao gồm những chuyên gia về chất độc, thanh lọc môi trường, và dịch vụ đa dạng cho người tàn tật. Trong suốt ba năm qua, chúng tôi đã đi các vùng ở Việt Nam, nghiên cứu bằng chứng và phát huy về lãnh vực
chuyên môn. Những đánh giá của chúng tôi và những sự thông hiểu về tình hình đã đưa đến một chiến lược ba giai đoạn nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản trong vòng 10 năm tới:
1. Giải độc những vùng đất bị ô nhiễm và tái phục hồi môi sinh bị hư hại; và
2. Mở rộng dịch vụ giúp đỡ những nạn nhân tàn tật và gia đình của họ.”
Bản Tuyên Cáo này cho biết về phía Việt Nam, chính phủ đã có những nỗ lực liên tục từ năm 1980 để giải quyết vấn đề chất da cam. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đã gây quỹ được 22 triệu mỹ kim cho công tác từ thiện tới các nạn nhân. Chính phủ Việt Nam đã chi tiêu 6.25 triệu mỹ kim cho công tác giải độc (clean-up) các khu vực ô nhiễm nặng, thêm vào đó hằng năm đã chi 50 triệu mỹ kim giúp đỡ nạn nhân chất da cam.
Về phía chính phủ Hoa Kỳ thì Quốc Hội Mỹ đã cho phép một tài khoản 3 triệu mỹ kim cho tài khóa 2007, 3 triệu cho 2009, và 3 triệu cho 2010 nhằm “giúp cứu chữa môi sinh cho những khu vực bị ô nhiễm bởi dioxin và những công tác liên quan đến y tế ở Việt Nam, bao gồm cả những công tác thông qua các cơ quan và tổ chức Việt Nam.”
Cho đến tháng Chín, 2009, cơ quan USAID cũng đã tài trợ 4.1 triệu mỹ kim. Một nửa số tiền trên đã được cung cấp cho các tổ chức thiện nguyện có cơ sở ở Hoa Kỳ để giúp đỡ nạn nhân ở vùng Đà Nẵng. USAID cũng đã hợp đồng 1.6 triệu mỹ kim với công ty M CDM cho công tác nghiên cứu, và Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội cũng đã chi 500,000 mỹ kim cho ngân sách trên.
The Ford Foundation đã tài trợ 11.7 triệu mỹ kim cho các công tác môi trường, sức khoẻ và y tế liên hệ. Viện này cũng đang vận động để được sự tham gia và tài trợ từ các chính phủ của Hy Lạp. Ái Nhĩ Lan và Tiệp, cũng như từ Bill and Melinda Gates Foundation, UNICEF
và UN Development Programme.
“Thời gian lưỡng lự đã đi qua. Vào năm 2010 này, Việt Nam sẽ đánh dấu bốn mốc lịch sử quan trọng: Một ngàn năm Thăng Long, 35 năm chiến tranh chấm dứt, 15 năm bang giao Mỹ-Việt, và Việt Nam đảm trách chức năng chủ tịch ASEAN.
Sự tài trợ đầy đủ cho một nỗ lực toàn diện để giải quyết di sản da cam/dioxin, một vết tàn còn lạicủa cuộc chiến giữa hai nước, sẽ là một phương cách thích hợp nhằm đánh dấu những mốc điểm trên và để củng cố mạnh mẽ thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.”
Kế hoạch chiến lược
Toàn bộ chương trình giải quyết di sản da cam/dioxin sẽ được thực thi bằng ba giai đoạn trong vòng 10 năm với phí tổn dự thảo là 300 triệu mỹ kim. Theo kế hoạch thì “chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải tài trợ phần lớn cho chi phí này cùng với các nhà và cơ sở tài trợ công và tư
cùng chung với nỗ lực đóng góp của chính phủ và nhân dân Việt Nam.”
Sơ lược thời biểu công tác và phí tổn được đề ra như sau:
Về môi trường:
Giai đoạn Một: 2010–2012, 29.7 triệu mỹ kim: Khẩn cấp giải độc và xử lý các khu bị ô nhiễm nặng ở phi trường Đà Nẵng. Thu thập dữ kiện từ Đà Nẵng để giải quyết khu vực ở hai phi trường Biên Hòa và Phù Cát. Xử lý giải độc và khôi phục môi sinh cho vùng A Lưới Mã Đà và rừng Ngọc Hiền. Bên cạnh đó là các công tác nghiên cứu, huấn luyện cán bộ và nhân dân về môi sinh, rừng, nguồn nước, an toàn thực phẩm. Giai đoạn Hai: 2013–2016, 50 triệu mỹ kim.
Hoàn tất việc giải độc ở hai phi trường Biên Hòa và Phù Cát. Trồng lại rừng và tre cho các vùng bị ảnh hưởng, nhất là ở A Lưới, Mã Đà và Ngọc Hiền. Khám nghiệm dân cư, thử nghiệm môi sinh và thú vật ở các vùng ảnh hưởng. Thiết lập một hệ thống quản lý để xử lý tiếp tục và
theo dõi kết quả của các công tác đã thực thi.
Giai đoạn Ba: 2017–2019, 18 triệu mỹ kim.
Giải quyết thêm từ 10 đến 12 khu vực ô nhiễm cùng các công tác khôi phục môi sinh, rừng và đất ruộng và thú vật.
Về nhân đạo:
Làm việc với các cơ sở y tế của chính phủ và tư nhân để chữa trị, phòng bịnh trong chỉ tiêu gia tăng sức khoẻ của quần chúng và ngăn chận sự tiếp tục bị ô nhiễm bởi dioxin, giúp đỡ nạn nhân và gia đình. Thiết lập những định chế và phương thức theo dõi, nghiên cứu ảnh
hưởng của dioxin vào các thế hệ trẻ em, săn sóc y tế cho các phụ nữ mang thai. Huấn luyện chuyên môn cho các giới chuyên ngành y tế và môi trường. Tiếp tục hỗ trợ cho các dự án phòng ngừa, chữa trị bệnh nhân với các căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến dioxin. Phát
huy các chương trình giáo dục về y thức về môi sinh và ô nhiễm dioxin ở các địa phương bị ô nhiễm. Cung cấp học bổng và các phương tiện giáo dục cho các thế hệ nạn nhân và gia đình. Cố vấn và giúp đỡ các cơ quan công quyền địa phương theo dõi và giám sát tình
hình y tế và sức khoẻ quần chúng trong các vùng liên hệ, bảo đảm cho những nạn nhân và gia đình được săn sóc y khoa, sức khoẻ, thực phẩm và các trợ giúp xã hội cần thiết.
Giai đoạn Một: 2010–2012, 68.3 triệu mỹ kim
Giai đoạn Hai: 2013–2016, 125 triệu mỹ kim
Giai đoạn Ba: 2017–2020, 9 triệu mỹ kim.
“Bản Tuyên Cáo” cho rằng Kế hoạch 10 năm giải quyết di sản da cam/dioxin là “một nhu cầu đạo lý cao cả trong truyền thống bao gồm những chương trình phục hồi hậu chiến.”
Vì vậy, nỗ lực nhân đạo nầy “phải được sự tham dự và ủng hộ ở tầm mức lớn từ phía (nhân dân và chính phủ) Hoa Kỳ.
_______________________________
Ghi chú: Trong buổi họp mặt của “Tổ Đối Thoại Việt-Mỹ về Di Sản Da Cam” bao gồm đại diện của Ford Foundation và những nhân vật của hai quốc gia với người Mỹ gốc Việt tại Bắc California vào ngày 17 tháng Tư vừa qua, một số hội đoàn, nhân sĩ và cơ quan thiện nguyện Mỹ và Việt
đã thảo luận sôi nổi về bản Tuyên Cáo và Chiến lược hành động này. Một trong những đề nghị bổ túc cho kế hoạch 10 năm này là hãy phi chính trị hóa vấn đề di sản chất độc da cam/dioxin để giải quyết nó thuần trên phương diện y tế, môi sinh và nhân đạo. Một đề nghị khác là chương trình hành động nên bao gồm sự tham dự của cộng đồng và các cá nhân, hội đoàn người Mỹ gốc Việt.
Được biết, vào mùa hè 2010 này, một phái đoàn truyền thông bao gồm những nhà báo và ký giả Mỹ và Việt ở Hoa Kỳ sẽ về Việt Nam để đi tới các vùng bị ô nhiễm bởi chất độc dioxin nhằm báo cáo và tường trình về vấn đề và di sản da cam. Chương trình Tường Trình Việt Nam (Vietnam Reporting Project) này được tổ chức bởi Renaissance Journalism Center của Đại Học San Francisco State và bảo trợ bởi Ford Foundation.