Nguyễn hữu Liêm
Trong chuyến đi Việt Nam lần này, với tư cách là một nhà báo làm việc cho Renaissance Journalism Center của San Francisco State University, tài trợ bởi Ford Foundation, tôi đã đến các vùng xa ở miền Trung Việt để tìm hiểu về hệ lụy của hóa chất Da Cam và Dioxin từ thời chiến. Sau đây là một số ghi chép về hành trình này. Độc giả muốn tìm hiểu thêm về vấn đề Da Cam/Dioxin và các chương trình liên hệ, và đọc blogs bằng Anh ngữ của tôi, xin hãy vào trang nhà vietnamreportingproject.org.
Cam Lộ, Quảng Trị, 10 tháng Sáu
Tôi đến thăm Trần Viết Trâm, người bạn cùng đi lính không quân với tôi trước 1975, nay về làm ruộng ở Cam Lộ. Anh ta ra lệnh bà xã cắt cổ con gà trống duy nhất đang gáy sau vườn. Bà vợ chảy nước mắt tuân theo. (Tôi cũng thấy thương con gà trống to đẹp, đang ca hát huyênh hoang trong cõi sống của nó. Nhưng vì ở cõi người cao hơn, chúng tôi “phải” ăn nó – và với tôi thì lặng lẽ kèm theo lời cầu nguyện “hóa kiếp cho mầy.”) Ăn trưa xong, người bạn dẫn tôi đến thăm vài gia đình có trẻ em dị dạng, theo dân làng, vì hóa chất Da Cam.
Nhìn các em này nằm la liệt trên nền nhà, một số em bị cột chặt tay chân để các em không cào cấu thân thể, tôi không cầm được nước mắt. Một vài em thấy chúng tôi đến thăm là rú lên từng cơn như loài thú điên dại. Thật là một di sản, một thảm kịch bi đát trùng trùng.
Chiều đến, tôi ghé qua Trung Tâm Phục Hồi cho trẻ em khuyết tật ở gần đấy. Gọi nó là một “trung tâm” là một chuyện thậm xưng. Đây là một ngôi nhà nhỏ được sơn vôi đang được sửa chữa. Ông Trung, giám đốc, cho tôi biết là trung tâm chỉ có thể điều trị 15 đứa trẻ trong một lúc. Ngân khoản hoạt động trong một tháng vào khoảng 10 triệu đặc biệt cho vtimes đồng (khoảng 600 đô la).
Chỉ nội trong hạt này thôi đã có trên 2,000 trẻ em được cho là bị nhiễm bệnh Da Cam.
Phần lớn sô tiền tài trợ đến từ các cơ quan từ thiện quốc tế và Hội Hồng Thập Tự.
Tôi hỏi ông Nguyễn Hoàn, chủ tịch Hội Nạn Nhân Da Cam trong quận Cam Lộ, về chuyện làm việc thiếu sót và tham nhũng. Tôi lập lại một lời quả quyết của một người dân làng rằng phần lớn những viện trợ khi đến tay các nạn nhân thì chẳng còn bao nhiêu. Ông ta chăm chú nghe với một bộ mặt nghiêm trọng và cho rằng có thể là người ta không biết hết các dữ kiện.
Ông ta cắt nghĩa, “Thí dụ chúng tôi được tài trợ 100 triệu đồng (7,000 mỹ kim). Người ta cho đó là một số tiền lớn. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu chia đều số tiền này cho nhiều quận hạt với cả ngàn gia đình có nhiều nạn nhân, số tiền đến tay nạn nhân thật là ít ỏi. Người ta không biết được tầm cỡ của vấn đề.
Đúng, có những vụ tham nhũng, tiền bị ‘ăn chận từ trên xuống,’ nhưng tôi cam đoan với anh theo tôi được biết thì chuyện đó rất hiếm. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi phân phối 100% mọi trợ giúp thẳng cho nạn nhân.”
Vài dân làng cho tôi biết họ nhận rất ít khi được trợ giúp. Ví dụ như anh là nạn nhân Da Cam, anh sẽ nhận được thêm một gói mì ăn liền trong vào dịp Tết. Tuy nhiên, khi thăm hỏi nhiều gia đình hơn thì tôi được biết rằng, thực ra các gia đình có trẻ em dị dạng, nằm liệt thì được trợ cấp từ 300,000 đến 700,000 đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu kinh tế gia đình nào khá hơn, ví dụ có buôn bán, cửa hàng ở chợ, thì sẽ không được trợ cấp.
Việc kế đến là những điều kiện để được trợ giúp. Tôi đặt vấn đề này với ông Hoan. Để được giúp đỡ, người ta phải hội đủ ba điều kiện. Trước tiên, nạn nhân phải là con cháu trong một gia đình “kháng chiến” – tức là có tham dự đánh Pháp và Mỹ. Hai, gia đình phải ở dưới mức độ nghèo đói (ở Việt Nam, điều này có nghĩa là nghèo xác xơ) và Ba, là mức độ bị khuyết tật. Điều kiện thứ nhất thì rõ ràng là phân biệt đối xử. Tôi cho ông Hoan biết, nếu công đồng người Việt (gốc) Mỹ ở hải ngoại biết điều này, họ sẽ chống đối đến cùng sự tiếp tế ở bất cứ một mức độ nào cho nạn nhân Da Cam.
Ông Hoan thừa nhận điều đó và trả lời tôi rằng, vâng, đã có một điều kiện như vậy. Nhưng trong mấy năm qua, điều kiện này đã bị loại bỏ. Hiện nay chỉ còn hai đòi hỏi thôi. Tôi hỏi ông một cách thẳng thừng, có chắc chắn là điều này được loại trừ hẳn rồi chưa. Ông ta xác định một cách chắc nịch, đúng là như vậy.
Hà Nội, 16 tháng Sáu
Trong buổi họp báo ở khách sạn Công Đoàn, Hà Nội ngày 16 tháng Sáu, được Nhóm Đối Thoại Việt-Mỹ về Hóa Chất Da Cam tổ chức, tôi lại nhắc lại vấn đề ‘kỳ thị’ về trợ cấp cho nạn nhân Da Cam với ông Đỗ Hoàng Long, vụ trưởng đối ngoại nhân dân của đảng Cộng Sản.
Ông ta trấn an tôi rằng đòi hỏi đó đã được loại bỏ bằng một nghị quyết của Bộ Chính Trị mấy năm trước đây. Nhưng theo ông vẫn có một số người ở địa phương không đồng ý với chuyện đối xử đồng đều đối với mọi người.
Ông nói: “Anh biết rằng, loại bỏ những rào cản vật chất trong chiến tranh thì dễ, nhưng những rào cản về tư tưởng thì khó, bất kỳ ở đâu và bất cứ phía nào!” Sau buổi họp báo, bà Thảo Griffiths, giám đốc điều hành của tổ chức Cựu Chiến Binh Mỹ ở Việt Nam, cùng tôi tháp tùng Đại Sứ Ngô Quang Xuân, chủ tịch Nhóm Đối Thoại đến khách sạn Metropole để dùng nước. Ngồi cạnh bên ông, tôi lại hỏi ông về chính sách phân biệt đó. Đại Sứ Xuân đổ lỗi cho hệ luỵ chiến tranh, nhưng theo ông thì điều kiện phân biệt đó được sử dụng nhằm giới hạn con số người được đền bù vì số tiền tài trợ ít ỏi. Ông cho biết ông vui mừng là chính sách đó hiện nay là một chuyện quá khứ.
Trong buổi họp báo, tôi hỏi Nhóm Đối Thoại này, họ có thông điệp gì cho cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ, vì ý kiến của họ là chìa khóa cho những biểu quyết của Quốc Hội Mỹ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhấn mạnh rằng nạn nhân của hóa chất Da Cam, Dioxin không chỉ là người ở Việt Nam, nhưng mà còn là những người trong các cộng đồng Việt ở Mỹ cũng như khắp nơi trên thế giới. Đây không chỉ là vấn đề của những nông dân trong những khu vực bị ảnh hưởng. Đây là một vấn đề hoàn cầu cho người Việt khắp nơi.
Ông Đại sứ Xuân và bác sĩ Phượng nói rằng Nhóm Đối Thoại mong làm việc với mọi người, bất kể những liên hệ mà những người này có trong chiến tranh quá khứ. Đây là một vấn đề nhân đạo. Nó không còn là chuyện chính trị nữa.
Một vài ký giả quốc tế đã đặt câu hỏi về hai vấn đề vốn chưa được trình bày một cách thuyết phục trong buổi họp báo. Thứ nhất là bằng chứng khoa học và nguyên do đưa đến bịnh Da Cam; thứ hai là vì sao họ nghĩ rằng chính phủ Mỹ lại sẳn sàng tài trợ dự án vào thời điểm này.
Tôi tự nhủ, Nhóm Đối Thoại cần phải làm việc nhiều hơn nữa, không hẳn chỉ đưa ra một lý do nhân đạo cho nạn nhân trước một cử tọa thân thiện mà thôi. Nhưng mọi chuyện đều phải có sự bắt đầu.
Nhóm Đối Thoại đang bước đi những bước đầu tương đối vững chắc. Con đường còn dài và với nhiều thử thách.
Những chuyện khác…… À, còn các tiểu tiết khác như cái nóng ẩm ướt ở Hà Nội và những chuyện nhỏ nhặt khác, như… Cái bìa đựng tất cả mọi địa chỉ và điện thoại liên lạc và tài liệu của chuyến đi này bổng nhiên không cánh mà bay, biến mất ở phòng khách sạn. Tôi hốt hoảng tìm nó trong vòng ba ngày, và tôi suy rằng có lẽ công an đã lấy đi, nhưng có người lại nói là nếu công an lấy thì họ đã không làm như vậy. Cứ cho là như vậy đi…
… Tôi cũng đã ghé qua làng Bích La Đông để giám sát công tác xây trường học ở đó do Hội Doanh Nhân Việt-Mỹ và tổ chức VNHelp ở California tài trợ. Trong một buổi cơm trưa do một doanh nhân ở thị trấn Quảng Trị khoản đải, tôi gặp lại một bạn học từ năm 1972 ở trường Nguyễn Hoàng.
Anh ta nay là bí thư của thị trấn. Hai chúng tôi nhận ra nhau. Bao nhiêu câu chuyện và tâm sự về những ngày ấu thơ gian khổ cùng trường, cùng lớp. Tôi không ngờ là anh bạn ngồi bên cạnh mình ở lớp 10B2 là một “cán bộ nằm vùng.” Anh ta bảo tôi rằng anh đã đọc rất nhiều các bài viết của tôi và về tôi trên mạng. Tôi hỏi anh thích bài nào nhất thì anh trả lời rằng có lẻ là bài “Nguyễn Hữu Liêm: Con chó liếm máu đồng loại không biết đắng.” Chúng tôi cùng cười vang trong men bia Huda hòa với gió Lào thổi vào từ sông Thạch Hãn…
… Tôi đã gặp hai người lương thiện ờ Sài Gòn và Hà Nội. Ở Sài Gòn, khi chuẩn bị xuống lễ tân trả phòng ở khách sạn Bông Sen, có một người đàn ông tìm đưa tôi một phong bì chưa dán, bên trong có 10 tờ giấy 100 đô la, mà tôi bỏ quên trên bàn viết khi trả phòng. Tại một cái bar ở Hà Nội, khi xem World Cup, tôi đưa cho anh phục vụ một tờ 500,000 đồng, tưởng là 20,000 đồng. Một chập sau anh quay lại và nói tôi đã nhầm. Các bạn biết rằng các tờ tiền giấy Việt Nam chúng rất tương tự nhau!
… Mưa đã không theo tôi ra Hà Nội – như tôi mong mỏi. Trời nóng (43 độ C, khoảng 109 độ F) và oi bức đến độ không khí như bị đun sôi. Khi tôi than vãn, có người nói đùa, “Đây là một quốc gia cộng sản, bạn có sauna (tắm hơi) miễn phí mà!” Nhưng khi đứng bên hồ Hoàn Kiếm, nhìn chung quanh, tôi nghĩ rằng dù thời tiết – và nhiều chuyện khác – có khắc nghiệt đến thế nào, cả thành phố và con người Hà Nội vẫn thanh lịch và xinh đẹp như muôn thuở.
Vào lại Sài Gòn hôm sau, có ông bạn thi sĩ gốc Quảng Trị, nay là đại gia ở Bà Rịa, đến đón tôi ở khách sạn bằng xe hơi mà ông mới mua năm ngoái ở San Jose. Khi xe ngừng ở ngã tư trên đường Lý Tự Trọng, gần chợ Bến Thành, tôi nghe anh tài xế la lên. Có hai tên lái xe máy kèm theo, đưa tay ra vặn lấy mất cái tấm kiếng chiếu hậu bên hông trái.
Sự việc xẫy ra trong vòng khoảng hai giây đồng hồ. Chúng tôi không ai phản ứng kịp. Một giờ sau, khi chúng tôi đang ngồi uống cà phê trên đường Đồng Khởi thì có kẻ đến gạ bán lại cái kiếng vừa bị cướp đó với giá 2 triệu rưởi đồng. Ông bạn “vừa vui vừa chửi” mua lại ngay, vì theo ông, giá mua ở đại lý là 13 triệu. Đúng là “sống chung với lũ” cùng với nạn cướp cạn giữa trưa.
Trước khi về lại Mỹ, tôi được mời thuyết giảng về triết học tại quán “Cafe Thứ Bảy” của nhạc sĩ Dương Thụ. Phần lớn khách tham dự, khoảng 50, là sinh viên trẻ muốn nghiên cứu và theo học ngành triết. Theo nhạc sĩ Dương Thụ thì đây là buổi nói chuyện thân mật có nhiều người tham dự nhất. Không khí thảo luận thật là sôi nỗi và hào hứng. Khán giả đã đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề tư tưởng đương đại ở Hoa Kỳ và các vấn đề chuyên môn của nghành triết. Chương trình được công bố bắt đầu lúc 9:30 sáng. Nhưng đúng 9 giờ là phòng họp đã hết chỗ ngồi. Nhiều người đến đúng giờ đã không tham dự được.
Và chương trình bắt đầu ngay lúc 9:05 sáng. Tôi cảm nhận được tinh thần học hỏi hăng say ở giới trẻ Việt Nam. Chương trình kéo dài đến 12 giờ trưa. Sài Gòn, dù hơi oi bức, nhưng khi cơn mưa chiều đổ xuống, so với Hà Nội, thì mát nhẹ hơn nhiều.
Với tôi, đây là một chuyến đi về quê nhà đầy cảm xúc, đầy ý nghĩa. Việc gây ấn tượng nặng nhất trong tôi là không ngờ có nhiều nạn nhân hóa chất Da Cam như thế. Riêng ở quận Cam Lộ, gần Đông Hà không thôi, thì con số nạn nhân đã lên hơn 2,000 trẻ em. Các vùng như Hải Lăng, A Lưới… con số còn tệ hơn. Tôi đã bị xúc động nhiều khi tiếp xúc với họ. Tôi có nhiều điều để viết lên, để chia sẻ và tâm sự, để góp phần kêu gọi cho vấn đề nhân đạo lớn lao và bi thảm này.
Có những ngày ở Huế, ban ngày thì tôi đi lên trên vùng núi non xa xôi tận biên giới Lào, giữa núi non trùng điệp, đến các bản làng để tìm hiểu. Con người ở các vùng sâu thì quá chân chất, nghèo xơ xác, giản dị, đơn sơ. Chiều tối đến, về lại giữa thành phố Huế với không khí lễ hội Festival Huế 2010 đang náo nhiệt phô diễn khắp đường phố.
Tôi cảm nhận được những trái nghịch, những tương phản, từ cái thấp đến cái cao, giữa hình thức và nội dung, giữa cái khổ và cái hạnh phúc vô thường, ở ngay giữa miền Trung đất nước này.
Từ những khi đứng bên cạnh phi đạo của căn cứ Khe Sanh cũ, giữa núi rừng hùng vĩ, đến lúc cùng đám đông đi bộ trên cầu Tràng Tiền, Huế, tôi đã nhận ra rằng đất nước và con người Việt Nam, như là núi sông của những vùng cao, như sông Hương nước chảy dưới chân mình, mang nhiều nét xinh đẹp và hùng tráng vô vàn. Nhưng ẩn ngầm dưới cái xinh tươi bao la ngút ngàn kia là một di sản chiến tranh tàn độc, vật thể hay tinh thần, hữu hình hay vô hình, đang dày xéo và xói mòn bao nhiêu những tâm hồn trong sáng của cả một thế hệ sau chiến tranh. Tôi chỉ mong sao cho tất cả được bình an – và những gì hạnh phúc họ đang có được, hay khổ đau mà họ đang gánh nặng, phải là của cơ năng tiến hóa cho cái hiện tượng con người Việt Nam còn nhiều hứa hẹn này.