This article first appeared in VTimes on June 25, 2010
Đức Hà
Lần đầu tiên kể từ có vấn đề hóa chất Da Cam gai góc – một trở ngại cuối cùng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, thì với
Bản Tuyên Cáo của Nhóm Đối Thoại Việt-Mỹ công bố ngày 18 tháng Sáu vừa qua, chương cuối của cuộc chiến Việt Nam bắt đầu hé mở. Theo đó một ngân khoản được đề ra, một cột mốc thời gian được ấn định để rồi ra đôi bên có thể khép lại trang sử đau buồn chung của hai nước.
Thật vậy, khi Tổng Thống Gerald Ford phát biểu tại Đại Học Tulane ở New Orleans ngày 23 tháng Tư, 1975 – bảy ngày trước khi người Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn rằng “chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt và đây là lúc để hướng vào tương lai, cùng nhau đoàn kết, hàn gắn vết thương của quốc gia …” dường như ông không dự trù những hệ lụy lâu dài của cuộc chiến mà nhiều năm sau vẫn còn âm ỉ.
Sau ngày 30 tháng Tư, 1975 nước Mỹ phải đối đầu với hai vấn đề ở trong nước và dư luận quốc tế, và cả hai đều liên hệ đến hóa chất diệt cây cỏ.
Nếu chiến tranh súng đạn đã chấm dứt thì lại nổi lên cuộc chiến đòi hỏi sự nhìn nhận và quan tâm của chính quyền Washington về những tác hại vào sức khỏe con người do hóa chất khai quang được sử dụng tại chiến trường Việt Nam của khoảng 2.8 triệu cựu quân nhân Mỹ. Và nếu Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ đáp ứng phần nào những đòi hỏi chính đáng bằng những trợ giúp tinh thần và vật chất cho người lính Mỹ, thì đất nước từng phải hứng chịu khoảng 20 triệu gallons Chất Da Cam/dioxin cùng các loại hóa chất khai quang khác mà những tác hại vào con người và môi sinh có thể kéo dài chưa biết đến bao giờ thì các biện pháp trợ giúp chỉ ở mức độ khiêm nhường. Dư luận quốc tế nhiều lần đòi hỏi Hoa Kỳ phải có trách nhiệm đến vấn đề gây nhiều tranh cãi này.
Và rồi 35 năm sau, dư âm của cuộc chiến Việt Nam lại trở lại ám ảnh người dân Mỹ bằng điều thường được nhắc nhở như một trách nhiệm
nhân đạo đối với khoảng 4.5 triệu người Việt bị nhiễm Chất Da Cam/dioxin cùng với công tác cần phải làm ngay là tảy rửa các vùng đất từng là nơi tồn trữ, pha chế và chuyển vận các thùng chứa hóa chất có sơn vạch màu da cam. Tổn phí: 300 triệu đô la. Thời gian: 10 năm.
Để giải quyết rốt ráo bóng ma chiến tranh còn sót lại giữa hai nước cựu thù, Nhóm Đối Thoại Việt Nam-Hoa Kỳ gồm các khoa học gia, người
dân thường cùng với các nhà hoạch định chính sách vừa phổ biến một kế hoạch hành động kêu gọi chính phủ Mỹ và các nhà hảo tâm đóng góp một ngân khoản ước lượng 30 triệu đô la mỗi năm trong vòng 10 năm tới để làm sạch môi trường bị nhiễm chất khai quang được xem là độc hại. Ngân khoản cũng được dùng để chữa trị và trợ giúp những nạn nhân bị nghi ngờ có liên hệ đến phát minh được báo Time liệt kê trong 50 phát minh tồi tệ nhất cạnh thuốc diệt sâu DDT.
Nếu hóa chất Da Cam – được sử dụng tại Việt Nam từ 1961 đến 1971 nhằm khai quang các khu rừng già rậm rạp dùng làm nơi ẩn trú của quân đối nghịch, đạt kết quả tốt thì cái giá phải trả không lường được về lâu dài với tác hại vào sức khỏe con người gây nên hàng loạt bệnh ung thư cùng các thứ bệnh khác bênh cạnh việc sinh con di tật, quái thai …
Tính đến nay, các nhà sản xuất đã thỏa thuận ngoài tòa ngân khoản 180 triệu đô-la bồi thường cho các cựu binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm dioxin. Tuy nhiên, Washington và các công ty hóa chất như Dow Chemical và Monsanto vẫn không nhận trách nhiệm đối với các nạn nhân tại Việt Nam. Từ năm 2004, những vụ kiện đòi công lý của phía Việt Nam đều bị tòa án Mỹ bác bỏ dựa vào một trong những nguyên do là chưa
có bằng chứng khoa học xác thực về mối liên hệ giữa dioxin và những hậu quả tại Việt Nam. Vấn đề đưa ra là rất khó xác minh được chẳng hạn như quái thai nào là hậu quả thật sự của tác nhân Da Cam?
Cho đến nay Washington cũng rất chậm trong việc tháo khoán các khoản tài trợ cho dù đã được thông qua và người ta hy vọng tuyên cáo của viện Aspen về Kế Hoạch Hành Động của Nhóm Đối Thoại sẽ đốc thúc Hoa Kỳ nhanh chóng hợp tác toàn diện. Chủ tịch viện Aspen kiêm
thành viên nhóm đối thoại, ông Walter Isaacson gọi đó là một di sản to lớn của chiến tranh cần bức phá: “Việc làm sạch môi trường tại Việt Nam chẳng tốn kém bao nhiêu so với vụ dầu tràn tại vùng Vịnh Mexico hiện nay và việc tranh cãi về trách nhiệm hay đổ lỗi cho nhau cần phải để qua một bên nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề.”
Ngoài Hoa Kỳ chịu trách nhiệm chính trong số 300 triệu, nhóm liên hệ cũng hô hào các tổ chức ngoài chính phủ, các doanh nghiệp cùng bắt tay vào việc giúp triển khai kế hoạch.
Thành hình vào năm 2007, Nhóm Đối Thoại được sự hậu thuẫn và tài trợ của quỹ Ford Founda- tion và viện Aspen Institute, nhằm mục đích mưu tìm phương hướng giải quyết vấn đề Da Cam. Theo bản tuyên cáo, cần 100 triệu đô-la để hồi phục những tác hại vào môi trường và tảy rửa các vùng “nóng” bị nhiễm chất dioxin, chủ yếu là khu vực quanh ba sân bay Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa – nơi đóng quân của binh sĩ Mỹ thời chiến tranh. Việc chăm sóc y tế và chữa trị cho bệnh có thể là nạn nhân hóa chất cần 200 triệu.
Nghiên cứu y khoa cho thấy dioxin có liên hệ đến nhiều chứng ung thư, sinh con dị tật và quái thai cùng nhiều căn bệnh khác. Điều tra của tổ chức tham vấn Hatfield Consultants ở Canada cho hay tỉ lệ dioxin trong máu và sữa mẹ lấy từ người dân sống gần sân bay Đà Nẵng cao gấp 100 lần mức an toàn. Tỷ lệ dioxin trong đất và cá của cùng khu vực nhiều gấp 400 lần giới hạn do quốc tế ấn định. Ngoài ra dioxin còn
chậm phân hủy trong môi trường, và sau khi nhiễm vào đất, ngấm vào nước, theo mưa chảy ra sông ngòi để cuối cùng bám vào mỡ của vịt và cá. Rất không may người dân địa phương lại sinh sống, cày cấy, trồng tỉa và đánh bắt những loại thủy sản nhiễm độc đó làm thực phẩm.
Tháng Bảy tới đây đánh dấu tiến trình quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Mỹ đạt mốc 15 năm. Cả hai phía đang nỗ lực đẩy mạnh sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, xã hội kể cả về quân sự đồng thời tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại từ cuộc chiến trong quá khứ. Gỡ bỏ bom đạn mìn cá nhân và khắc phục ảnh hưởng của chất dioxin và tìm kiếm binh sĩ còn ghi nhận là mất tích nằm trong nghị trình thảo luận của Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Andrew Shapiro tại Hà Nội hồi gần đây. Trong những năm qua hai phía Việt-Mỹ dùng các phiên họp của Ủy Ban Cố Vấn Hỗn Hợp – Joint Advisory Committee như diễn dàn song phương dành cho các cuộc đối thoại khoa học về Chất Da Cam/dioxin nhằm tăng cường sự hợp tác và phối hợp khoa học song phương về vấn đề sức khoẻ con người và ảnh hưởng môi trường của Chất Da Cam.
Tính đến nay Washington đã cung ứng 9 triệu đô la trợ giúp Việt Nam trong vấn đề dioxin. Một tài khoản 12 triệu hiện đang được Quốc Hội thảo luận nhưng hãy còn rất xa so với số 150 triệu (phân nửa) số tiền do Nhóm Đối Thoại đề xuất.
Khi Tổng Thống Ford qua đời năm 2006, ông đã chứng kiến đơn kiện từ phía Việt Nam nhắm vào các công ty Mỹ từng sản xuất hóa chất Da Cam (2004); ông cũng thấy vụ kiện bị tòa New York bác bỏ với lý do là nguyên đơn không có cơ sở pháp lý và tòa còn kết luận rằng hóa
chất tuy độc hại nhưng không thể gọi đó là chiến tranh hóa học do đó Hoa Kỳ không vi phạm luật quốc tế (2005). Năm sau phía Việt Nam nộp đơn chống án nhưng lại bị tòa Manhat- tan chính thức bác đơn và duy trì phán quyết trước đó, sau cùng thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng từ khước xét lại quyết định của tòa kháng án (2009).
Giờ đây khi bản Tuyên Cáo của Nhóm Đối Thoại đã thành hình với mục tiêu giải quyết dứt điểm hậu quả Chất Da Cam, chắc hẳn rồi đây màn bi kịch Da Cam sẽ không còn được nhắc tới và lịch sử sẽ thật sự sang trang cho cả hai nước. Chỉ có điều những người Mỹ gốc Việt hiện định cư tại Mỹ – cũng có thể bị nhiễm Chất Da Cam, lại chưa lên tiếng và cũng không được nhắc đến.
Phóng sự này thuộc dự án Vietnam Reporting Project, một chương trình tường thuật về hóa chất Da Cam do trung tâm Renaissance Journalism Center tổ chức với quỹ Ford Foundation. Vào mù hè này, 15 nhà truyền thông Mỹ-Việt sẽ tường thuật từ VN về vấn đề này cho nhiều báo chí, truyền hình và Internet tại Hoa Kỳ. Quý độc giả có thể theo dõi hành trình của họ trên tại vietnamreportingproject.org.