By Duc Ha
“Tui phải bồng nó suốt ngày, chẳng làm gì được. Ba nó lớn tuổi cũng giúp chút đỉnh, đa phần là tui lo,” chị Trần Thị Ba tâm sự, đôi mắt to đen lúc nào cũng chực khóc. Răng chị đen vì nhai trầu nhưng lại nổi bật trên làn da trắng – điều ít thấy ở một người dân quê lao động. Nếu kể thêm thành tích hoạt động của chị trước đây – khi chưa phải tay bồng tay bế, thì phải nói là rất đáng sợ, rõ ràng không phải là người để tôi gặp và trò chuyện thân mật như bây giờ: chị là một cán bộ giao liên nội thành thời chiến tranh “Chống Mỹ.”
Chị kể lại, nhẹ nhàng, y như kể chuyện cổ tích:
“Tui hoạt động cả chục năm trong vùng Ba Thu Kinh Tốc, sát biên giới với Kampuchia trong tỉnh Long An. Vì là y tá biết đôi chút về thuốc Tây nên tổ chức giao cho tôi nhiệm vụ đi thu mua thuốc và chuyển vào vùng giải phóng cho du kích.”
Chị cho biết từng bó thuốc Tây suốt từ ống chân lên đến vùng bụng hay nhồi thuốc đầy vào bên trong gối khi chuyển hàng vào bưng trot lọt. Hai lần chị bị bắt tại trạm kiểm soát ở Trảng Bàng nhưng may mắn chị không bị đánh đập và nhờ chạy chọt cũng được trả tự do. Tuy nhiên chị không một chút lo sợ và tiếp tục công tác mà chị cho là phải đóng góp hết công sức.
Khi hỏi rằng bị bắt như vậy không sợ sao.
Cựu giao liên Trần Thị Ba nở nụ cười rạng rỡ: “Sợ chớ sao không sợ, nhưng xong rồi là lại muốn xung phong làm nữa.”
Chồng chị là cán bộ nằm vùng hoạt động trong vùng “tạm chiếm” thế nên khi bị lộ thì ông phải rút vào khu. Không biết có phải vì vậy mà người vợ ở thành cũng xả thân vào bưng để có cơ hội gặp chồng. Việc gặp nhau trong những giây phút ngắn ngủi của thời chiến tranh loạn ly với bom đạn hỏa châu nổ rền ngay trên đầu chắc hẳn cũng làm cho đôi trai gái thương nhớ mặn nồng nhau nhiều hơn. Kết quả là cứ hai năm một lần, Trần Thị Ba lại sanh một con. Từ đứa đầu đến đứa thứ chín, tất cả đều mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông … cho đến khi chị sanh người con thứ mười thì tai họa mới giáng xuống hộ gia đình này.
“Tui nghĩ là nó phải lãnh hết tai nạn cho chín anh chị nó,” chị Ba sót sa, đôi mắt đỏ hoe.
Nó đây là Hồ Thị Út, người con chị phải bồng ẵm suốt ngày, tháng và năm.
Chân Dung Út
Út có khuôn mặt dài bất thường, miệng méo xệch sang một bên, răng lởm chởm, cái còn cái mất. Thân hình của Út vẹo sang bên trái, lồng ngực nhô ra trước, hai cánh tay không khép được trong khi hai bàn tay cong queo với muời ngón co cụm lại, cặp chân như hai ống tre vẹo hẳn sang bên phải, hai bàn chân co rút làm lồi lên những đốt xương. Lúc khóc, lúc cười, lúc vặn người, lúc co cụm, không ai biết Út muốn gì ngoài bà mẹ hiểu ý con.
“Khi nào mắc tiêu mắc tiểu thì nó nói ‘Ba, đái’ và chỉ nói có vậy. Má nó cũng không nói được. Tui nghĩ là nó biết hết nhưng chỉ không nói được mà thôi,” chị Ba thổ lộ từ chiếc ghế đá bên ngoài trụ sở xã, hai tay ôm chặt người con có số phận hẩm hiu. Từ nhà ra ủy ban khoảng hai cây số, và người anh kế có nhiệm vụ chở Honda mẹ và em gái đi nhận quà ủy lạo.
“Tui leo lên Honda ngồi trước rồi ba nó bồng nó đưa cho tui, thằng Bình chở tới đây,” chị cho biết như vậy. Bình 23 tuổi là anh kế của Út, đang sống trong nội thành.
Thật ra không phải chị muốn sanh nhiều như vậy. Khi hạ sanh người con thứ chín, chị được khuyến cáo đặt vòng tránh thai. Nhưng vì sanh nở nhiều lần nên phòng y tế địa phương không có loại vòng với kích thước lớn nên chị lại mang thai lần thứ mười. Và Út đành phải ra đời với một thân hình dị dạng đáng thương. Theo lời chị, chín người con sanh trước đều bình thường, đều có nghề nghiệp làm ăn tương đối đủ sống. Chín người này xúm nhau, nguời một chút phụ giúp mẹ chăm sóc em út. Có người đã lập gia đình có con lớn khôn – tức cháu nội ngoại chị Ba và may mắn cho gia đình họ Hồ, tất cả đều bình thường – cho đến ngày Út chào đời. Chị cho hay chị rất bất ngờ và chỉ “muốn chết cho rồi.”
Tôi hỏi một câu rất vớ vẩn đối với một người dân ở rất xa với các phương tiện y khoa hiện đại: “Sao chị không đi khám thai khi mang bầu?”
“Hồi đó chẳng mấy ai biết chuyện khám thai hay kế hoạch, nếu biết còn nói chi,” chị trả lời.
Chỉ mãi sau này chị mới có chút hiểu biết về tác hại của Chất Da Cam và theo chị có thể là chị bị nhiễm hóa chất đó khi hoạt động giao liên trong bưng biền. “Chắc tại tui uống nước hố bom,” chị nói và xác nhận đã nhiều lần uống nước rất trong lấy từ hố bom vì ở trong vùng tự do oanh ích đến cả chục năm hơn. Ấy vậy mà không một lần tôi nghe chị kể tội hay trách cứ người gây ra nguyên nhân để chị nhận lãnh hậu quả đau xót. Ngược lại chị có vẻ như than phiền về những người từng trong cùng tổ chức với chị.
“Họ kêu gọi tui kết nạp Đảng, tui nói thôi; họ nói tui làm giấy có công với cách mạng để được hưởng chế độ, tui cũng cám ơn không làm.”
Chị không giải thích tại sao, nhưng trong lúc trò chuyện chị cho biết có một lần cháu Út đau nặng, chị bồng cháu đến nhà thương và ngồi chờ hoài, chờ miết cũng chẳng ai thèm quan tâm đến chị. Chị bèn bồng con về và từ đó tự chăm sóc và bỏ tiền đi bác sĩ tư mỗi khi Út bệnh và bệnh rất thường xuyên.
“Nó không bao giờ đái dầm, chẳng bao giờ ỉa bậy. Khi nào mót là nó kêu. Khi nào đói thì nó hả miệng. Còn hiện nay đến tuổi kinh nguyệt, nên hàng tháng cứ đều đặn đúng 30 ngày Út lại có kinh,” chị Ba mô tả cuộc sống hàng ngày của Út từ 21 năm nay.
Một con người không ra người, một cơ thể không ra cơ thể mà vẫn ăn, uống, thở, tiêu hóa, bài tiết, khóc, cười … nhưng lại không nói, có thể biết nghe, thì liệu có thể gọi đó là một con người?
Nhưng có điều chắc chị Ba không thể hiểu nổi là mới ngày nào chị phải chống người Mỹ đã rải hóa chất Da Cam độc hại xuống quê hương “Đất Thép Thành Đồng” thì ngày hôm nay – lúc cả nước đánh dấu Ngày Da Cam Việt Nam, thì cũng người Mỹ lại đưa một hàng không mẫu hạm nguyên tử đến thăm Đà Nẵng để đánh dấu 15 năm quan hệ bình thường giữa hai nước.